Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Cộng hưởng tích cực

Synergy là “Năng lực cộng hưởng”, năng lực tạo ra do làm việc hòa hợp với nhau. Synergy có gốc chữ Hy Lạp là “làm việc với nhau.” Năng lực cộng hưởng nói đến một hiện tượng quan trọng: Năng lực tạo ra do một nhóm người làm việc chung với nhau thì cao hơn là tổng số năng lực của tất cả các cá nhân trong nhóm cộng lại. Ví du: Một người làm riêng rẽ có thể cày xong 1 hecta đất một ngày, nhưng nếu 20 người làm chung với nhau thì có thể làm xong 25 hecta một ngày. Số gia tăng năng suất 5 hecta là hậu quả của cộng hưởng.

Công hưởng là từ của âm học. Khi một âm thanh với một tần số nào đó gặp một vật nào đó có thể dao động cùng một tần số, như tiếng của dây đàn gặp thùng đàn, cộng hưởng sẽ xảy ra và tăng cường độ âm thanh rất nhiều. Từ vật lý đến quan hệ con người, hoạt động chung với nhau cùng “tần số” sẽ làm cho cường độ của năng suất gia tăng vượt bực. Vì vậy, trong quản lý, từ synergy được nhắc nhở đến hầu như hằng ngày.

Trong quản lý thì chúng ta có thể hiểu synergy rất dễ–nếu một đội bóng thân thiết nhau, mọi người ai cũng làm đúng phận sự mình, chia sẻ với đồng đội, hiểu ý nhau rất nhanh, không ghen tị nhau, cùng một lòng quyết thắng, thì đội bóng đó có synergy rất cao và rất hay thắng. Tuy nhiên, nếu đội bóng hay cải vã nhau, ganh tị nhau, một người nói 10 thì người các người kia hiểu được có 5, đội bóng như vậy thiếu synergy và sẽ khó thắng.

Tạo ra được synergy hay không, phần lớn là do người lãnh đạo. Khi tuyển cầu thủ mới vào đội bóng, kỹ thuật chơi bóng chỉ là một phần, tâm tính người cầu thủ có phù hợp với tâm tính của các cầu thủ khác trong đội, và tinh thần teamwork (tinh thần đồng đội) của người đó cao không, mới là yếu tố quyết định. Việc tuyển đúng người là quyết định rất quan trọng của lãnh đạo. Một con sâu làm rầu nồi canh. Một cầu thủ không có tinh thần đồng đội làm hỏng cả đội bóng.

Và trong tiến trình quản lý đội bóng, dĩ nhiên là lãnh đạo phải đặt lên mức hàng đầu việc duy trì và phát triển thiết thân và tinh thần đồng đội. Nếu có thiết thân và tinh thần đồng đội cao, tự nhiên các kỹ năng làm việc đồng đội sẽ có, như kỹ năng truyền thông—nói với nhau, ra hiệu cho nhau, và thấu hiểu nhau; kỹ năng phối hợp trên sân cỏ; kỹ năng chuyển động toàn đội đúng chiến thuật và chiến lược trên sân cỏ.

Đó là quản lý; khó nhưng vẫn còn dễ, bởi vì người lãnh đạo có một đội và kỹ luật của đội để làm việc. Cái khó là trong những sinh hoạt xã hội, khi chúng ta ai cũng là phó thường dân nhưng lại quan tâm đến việc thành phố, việc quốc gia (Nói chung là làm lính nhưng hay quan tâm đến việc quan :-) ), làm thế nào để chúng ta có thể tạo ra synergy cho việc gì?
synergy1

Nếu quan sát các phong trào xã hội, ta thấy tiến trình phát triển của synergy xảy ra thế này. Hãy dùng việc vệ sinh thành phố làm ví dụ.

1. Một phó thường dân viết bài trên Internet nói về vệ sinh thành phố–ngưng xả rác, thêm thùng rác, giáo dục làm đẹp thành phố, đầu tư làm đẹp thành phố, v.v…

2. Vài phó thường dân khác đồng ý và viết bài tương tự. Thế là ta bắt đầu có synergy. Càng nhiều người nói, “Đúng rồi, các bạn nói phải lắm” là ta càng có nhiều synergy. Một lúc nào đó, khi có nhiều người lên tiếng, synergy có thể mạnh đến nỗi ta cảm như có thể sờ nó được trên không.

3. Một nhóm phó thường dân nào đó quyết đinh đi một bước xa hơn, làm điều gì đó ngay trên đường phố–ví dụ, tổ chức với các doanh nghiệp địa phương đặt một dãy thùng rác đẹp mắt ngay trên một khúc phố. Ta sẽ thấy synergy tăng lên rất cao.

4. Tại các địa phương khác, nhiều nhóm phó thường dân, theo gương, cũng lập ra những dự án làm sạch và đẹp đường phố. Bây giờ ta đã có một phong trào, và synergy cứ tuôn lên ngùn ngụt.

Các phong trào cách mạng xã hội từ cổ chí kim phát triển theo mô hình này, ít có ngoại lệ, bởi vì tất cả đều được chi phối bởi một quy luật tự nhiên: Một năng lực tích cực từ một người có khả năng kích động năng lực tích cực từ một người khác. Và năng lực tích cực của từ hai người trở lên có tác động cộng hưởng và thành mạnh hơn rất nhiều và sẽ kích thích nhiều năng lực tích cực từ nhiều người khác. Rồi lại tăng cộng hưởng, tăng kích động, tăng tham gia, rồi tăng cộng hưởng, tăng kích động, tăng tham gia… cứ vậy mà phát triển như là quả cầu tuyết bằng nắm tay lăn từ trên núi xuống, càng lăn thì càng dính tuyết, càng lớn, lại càng lăn mạnh hơn, dính nhiều tuyết hơn, lớn hơn, lăn mạnh hơn… đến lúc lớn như trái núi lăn.

Năng lực đó thật là kinh khủng, phải không các bạn? Nhưng mình sẽ nói cho các bạn nghe một bí mật ngọt ngào khác. Cho đến lúc này, có thể là một số bạn đọc bài này như đọc tiểu thuyết nói đến những phong trào cách mạng xã hội của những huyền thoại nào đó, chẳng ăn nhập gì đến “con người nhỏ nhoi tầm thường của mình.”
synergy2

À, bạn đừng đo lường mình quá thấp như thế. Năng lực tích cực của bạn có sức mạnh không thấp hơn năng lực của người mạnh nhất trên thế giới như là Gandhi and Abraham Lincohn là bao nhiêu đâu. Nếu bạn cử tạ được bao nhiêu kg, các vị thánh nhân số một thế giới, cho là tập tạ cả đời, thì cũng chỉ có thể cử tạ bằng 3, bằng 4, hay cùng lắm là bằng 5 bạn. Không thể hơn thế được. Thế thì không lý do gì mà ta có thể nói năng lực tinh thần của các vị ấy khá hơn năng lực của ta quá 5 lần, dù là các vị ấy có thiền định hay tu cách nào cả đời. Có khác chăng là các vị ấy sử dụng tất cả mọi năng lượng tích cực của mình vào việc tích cực để đẻ ra nhiều thành quả tích cực, còn chúng ta thì không tập trung năng lực như thế mà thôi.

Có một câu nói mà hồi nhỏ mình cứ nghĩ đó là câu nói thần thoại, cho đến những năm sau nầy mình mới trải nghiệm và hiểu nó sâu xa. Đó là, “Một tiếng gảy móng tay có thể rung động đến vô lượng thế giới.” Bất kỳ một cái gì rất nhỏ ta làm cũng có ảnh hưởng lây lan từ tâm thức người này đến tâm thức người kia, vô cùng vô tận, dù là ta chẳng biết rõ ràng con đường lây lan đó đi như thế nào, từ đâu đến đâu.

Ví dụ thực tế. Nếu bạn đến Đọt Chuối Non và đọc, và chẳng làm gì thêm hết, bạn đã đương nhiên tạo ra một năng lượng tích cực cho bạn và cho Đọt Chuối Non.

Nếu bạn tích cực hơn một tí, chỉ ở mức tối thiểu, và viết một comment chỉ có hai chữ “cám ơn” (tốn tổng cộng dưới 10 giây đồng hồ để viết), bạn đã cho tác giả bài viết một viên vitamin sống được ít nhất cũng phải một tuần. Đây là mình nói rất thật, không màu mè, không phóng đại. Mình đã viết liên tục 20 năm trên Internet và các tờ báo ở Việt Nam, kể cả Nhân Dân, Tuổi Trẻ hay Đài Tiếng Nói Việt Nam, cho nên đây là kinh nghiệm sống thực. Chỉ hai chữ “cám ơn” của một người đọc có thể tạo ra một năng lượng cực kỳ lớn cho người viết, dù là anh ta đã viết mấy chục năm và đã nghe cám ơn vài nghìn lần. “Cám ơn” là vitamin, là thực phẩm. Nếu ngày nào ta cũng phải ăn ba bữa cơm, ăn cả đời không chán, không no, thì người ta cũng có thể nhận tiếng cám ơn cả đời, không chán, không no. “Cám ơn” không phải là nuôi dưỡng cái tôi của người nhận, mà là báo tin, “Ờ, việc anh làm, anh không có hoài công đâu.” Đó là synergy.

Đó là chỉ nói đến hai chữ cám ơn nhỏ xíu, các bạn đã có thể thấy năng lượng cực kỳ dũng mãnh của bạn. Nếu các bạn lại tích cực hơn, lâu lâu viết một vài câu, môt vài bài, về việc làm đẹp làm sạch thành phố, các bạn có tưởng tượng được năng lượng của bạn tạo ra mạnh đến mức nào không? Những vấn đề tâm lý và siêu tâm lý thường là vô hình, không sờ mó được. Nhưng những năng lượng vô hình này cực kỳ mạnh, không thể xem thường. Dòng điện 1000 volt rất vô hình, nhưng sờ vào là biết ngay.

Và thay vì viết lách, bạn lại thực sự làm gì đó trên đường phố cho sạch thành phố, thì năng lượng tích cực đó lại càng mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Điểm chính ta muốn nói ở đây là mỗi người chúng ta đã có những năng lượng tích cực rất mạnh. Kể cả khi bạn tin rằng bạn là người tiêu cực, thì năng lượng tích cực đó vẫn còn nguyên đó. Bạn chỉ cần dùng nó, bằng cách đọc một cái gì tích cực, hay suy nghĩ về một cái gì tích cực, hay nói một hai chữ tích cực, hay nói một hai bài tích cực, hay làm một hai hành động tích cực nào khác, năng lượng tích cực đó sẽ “đụng” người khác và sẽ sinh ra synergy, dù là bạn có thể không thấy synergy đó đâu hết.

Đừng coi thường năng lượng có sẳn trong mình. Người mạnh nhất thế giới thì cũng không hơn mình được 5 lần. “Một tiếng gảy móng tay có thể làm rung động vô lượng thế giới.” Nếu hiện nay bạn chưa hiểu hết câu này, một ngày nào đó bạn sẽ hiểu, bằng trải nghiệm thực sự.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More